Ra Hòn Chùa...

Ngó ra Hòn Dứa, Hòn Than,
Hòn Chùa bãi cát chứa chan nỗi sầu.
Anh muốn qua thì bắt nhịp cầu,
Thăm nàng tri kỷ dãi dầu nắng mưa.

Hòn Chùa, Hòn Dứa, Hòn Than là cụm đảo nằm cách bờ biển Long Thủy khoảng 4 hải lý, giáp ranh giữa địa phận xã An Chấn (Tuy An) và An Phú (TP Tuy Hòa), trong đó nổi tiếng và nhiều người biết đến là Hòn Chùa. Để đến với hòn đảo nhỏ còn hoang sơ này, cách nhanh và tiện nhất là thuê thuyền hoặc ca nô từ bãi biển Long Thủy hoặc từ làng chài Mỹ Quang (An Chấn). Cũng có thể bắt đầu hải trình từ cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa). Và chúng tôi chọn cách thứ hai.

“Chúa đảo” Bảy Cụt

Từ cảng phường 6 theo tàu của Hải đội 2 (BĐBP Phú Yên) chúng tôi bắt đầu hải trình chinh phục Hòn Chùa. Sáng sớm mùa hè, biển gần như lặng yên, chỉ lăn tăn vài con sóng nhỏ vỗ về mạn thuyền như âu yếm. Thật thú vị khi được ngắm thành phố trẻ Tuy Hòa tươi đẹp từ biển. Bờ cát trắng trải dài tít tắp; những CenDeluxe, Sài Gòn - Phú Yên, Kaya, Long Beach, Rosa Alba resort Phú Yên… vươn mình lên trời cao, bừng bừng sức sống mới. Nhìn từ xa, Hòn Chùa hiện lên như một tấm thảm viền ngọc giữa biển trời mênh mông. Khi còn cách đảo khoảng non hải lý, tàu thả neo. Chúng tôi lần lượt lên đảo bằng thúng chai và ca nô.
So với cách đây chừng mười năm, Hòn Chùa đã có sự thay đổi đáng kể bởi bàn tay của con người nhưng nhìn chung vẫn còn khá hoang sơ. Cư dân trên đảo nhỏ có diện tích 0,22km2 này mà chúng tôi tiếp xúc đầu tiên là ông Trần Đoạn, 64 tuổi. Ông thứ bảy nên người ta thường gọi là Bảy Đoạn hay Bảy Cụt. Sở dĩ ông có tên gọi như vậy vì ông bị cụt một tay. Ông kể: Hồi còn thanh niên, ở làng biển Mỹ Quang (An Chấn) tui chẳng thua kém ai về sức vóc cũng như với nghề đi biển. Trong một lần ra khơi, chân vịt tàu bị vướng dây neo, tui lặn xuống nước để gỡ và không may… phải cắt đi một cánh tay.

Tuy chỉ còn lại cánh tay phải, nhưng Bảy Cụt vẫn không chấp nhận số phận tàn tật. Vì mưu sinh và vì tình yêu với biển, sau một thời gian dưỡng thương ông quyết định trở lại với biển như một duyên nợ không thể tách rời và như lời ông nói “để không là gánh nặng cho vợ con”. Không thể trực tiếp vươn khơi đánh bắt cá, tôm, Bảy Cụt quyết định ra Hòn Chùa, dựng lán, bám đảo nuôi tôm hùm và trở thành “chúa đảo”. “Thời điểm đó cách đây đã hơn 20 năm, tôi tự đan lồng và lặn bắt tôm hùm con trong tự nhiên thả nuôi. Nuôi không nhiều, có vụ được, vụ mất, nhưng chung quy cũng đủ sống qua ngày”, ông Bảy nhớ lại. Về sau, tôm thường hay bị dịch bệnh, mất giá nên ông còn nuôi thêm ốc hương. Theo ông Bảy, nuôi tôm hùm hay ốc hương cũng như đánh bạc vậy. May thì trúng đậm, không may thì ngược lại. Nhìn thấy nó mập mạp, khỏe khoắn vậy chứ lăn ra chết lúc nào không hay.

Trong lòng biển quanh Hòn Chùa và Hòn Than, Hòn Dứa có rất nhiều rạn san hô với nhiều màu sắc sặc sỡ, là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao, rất thích hợp cho du lịch lặn biển khám phá đại dương. Tuy nhiên loại hình du lịch này vẫn chưa thực sự phát triển ở đây. Sống trên đảo nhiều năm, những lúc chiều về ngồi nhìn lớp lớp san hô trắng tinh được sóng đưa lên từ biển, Bảy Cụt đã nghĩ ra một công việc mới, đó là thu gom những cành san hô gãy vụn tưởng như bỏ đi này, phân loại nó theo từng cỡ và tìm mối bán. Tuy không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng nó giải quyết được khoảng thời gian nhàn rỗi, đơn độc trên đảo. Một số lao động trẻ, chủ yếu là nữ chưa có việc làm được ông “tuyển” ra đảo làm công, cũng có thêm nguồn thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, cải thiện cuộc sống. Ông Bảy cho biết, san hô được đầu nậu trong Nam mua về dùng để trang trí phòng ốc, nhà cửa, chậu hoa cây kiểng, trải trên lối đi ở các điểm du lịch biển...

Mặt khác, để tránh rủi ro “khi ăn không hết, khi lần chẳng ra”, Bảy Cụt còn đưa bò từ đất liền ra đảo nuôi và gần đây là dê. Theo lão ngư có thời gian ở trên đảo nhiều gấp đôi thời gian ở trên đất liền này, nuôi bò trên đảo không sợ bị dịch bệnh, cũng không sợ bị mất trộm. Bò tự đi kiếm ăn rồi tự tìm về chuồng, người nuôi chỉ việc cung cấp đủ nước uống cho chúng. Nước được lấy từ giếng đào trên đảo. “Khó khăn nhất là đưa được bò lên đảo. Lần đầu hai cha con ông Bảy chèo thuyền thúng dắt bò bơi ra đảo. Khi ra đến giữa dòng, thấy biển nước mênh mông nên có con phát hoảng mỗi con đi một hướng. Rút kinh nghiệm, lần sau bò được trói chân rồi thuê người khiêng lên boong thuyền chở ra tận đảo. Tuy cũng vất vả không kém nhưng an toàn. “Sáng kiến” này cũng là kinh nghiệm về sau khi gia đình ông đưa đàn dê giống ra đảo. “Nuôi dê còn dễ hơn nuôi bò, việc tiêu thụ cũng thuận lợi nhờ giá cả ổn định. Tuy nhiên, do địa hình đá núi phức tạp, nhiều con bị rơi xuống vực, mắc kẹt trong khe đá, khi phát hiện thì… chỉ còn bộ xương”, “chúa đảo” cho biết.
Bữa cơm của gia đình “chúa đảo” Bảy Cụt
 Bắt nhum: tiền nào công ấy

Hòn Chùa hiện là điểm đến lý tưởng của khách du lịch. Trước kia, trên hòn đảo nhỏ này chỉ có lán trại của Bảy Cụt và một vài người khác dựng lên để phục vụ việc nuôi tôm hùm, ốc hương… Sau đó, có người dụng chòi để cho khách thuê, tính theo ngày hoặc qua đêm với giá rất hữu nghị. Còn hiện nay, trên đảo đã có dịch vụ phục vụ khách du lịch mỗi ngày. Đến với Hòn Chùa vào những ngày hè này, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí trong lành với biển xanh, cát trắng, nắng vàng… mà còn có cơ hội được chiêm ngưỡng cả một “vương quốc san hô” dưới lòng đại dương; được thưởng thức những loại hải sản tươi ngon, đặc biệt là nhum. Tuy nhiên, để có món nhum đặc sản, hảo hạng khách phải đặt trước hoặc có thể đặt ngay khi vừa ra đảo, nhưng phải… chờ.

“Bữa nay có đoàn khách từ Tây Ninh ra đảo. Ngoài các món khác họ yêu cầu phải có nhum nên quán phải thuê người lặn bắt”, ông chủ quán Hoàng Yến - Hòn Chùa cho biết. Đợi hơn một giờ đồng hồ thì người lặn bắt nhum trở về trên chiếc thuyền con gắn máy D4 với thành quả thu được là gần 50 con nhum đen sì đang cựa quậy. Người này tự giới thiệu tên là Bình, đồng hương với Bảy Đoạn và thuộc lớp đàn em. Do nhiều giờ ngâm mình trong nước biển từ sáng sớm nên mặc dù trời đang nắng, nhưng môi ông Bình vẫn còn tím tái, run run: “Để bắt được chừng này nhum tôi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ. Cũng may là hôm nay nhum nhiều nên khách không phải đợi quá lâu”.
Ông Bình với công đoạn làm sạch nhum
Theo ông Bình, ở vùng biển Hòn Chùa nhum xuất hiện nhiều vào khoảng từ tháng 2-7 âm lịch, đeo bám vào đá ở độ sâu từ 2-5 mét. Để lặn bắt nhum, đồ nghề gồm có kính lặn, móc sắt, chiếc vợt và chiếc thùng nhựa (rổ) đựng nhum. “Lặn bắt nhum phải từ sáng sớm, tầm 6-7 giờ, lúc chúng vừa đi ăn đêm xong đang “ngủ say”. Phát hiện nhum, thì dùng móc sắt giật mạnh khỏi vách đá rồi dùng vợt bắt cho vào thùng. Con đầu tiên mình phải bổ ra xem thử. Nếu nhum quá ốm thì đi tìm chỗ khác để bắt. Bắt được nhiều hay ít là tùy thuộc vào số lượng nhum ở vị trí ấy, đồng thời tùy thuộc vào sức khỏe và tay nghề của từng người lặn”, ông Bình cho biết.

Hiện tại những người lặn bắt nhum ở Hòn Chùa như ông Bình không nhiều vì nghề này nhọc nhằn và nguy hiểm. Trước kia, khi còn thanh niên ông Bình từng vào tận Kiên Giang, Cà Mau để lặn bắt nhum nhưng chỉ vài năm là quay về vì… kiệt sức. Gần đây, khi khách du lịch đến với Hòn Chùa ngày càng đông, nhiều người thích thưởng thức món nhum nên ông mới quay lại nghề cũ mặc dù tuổi đã trên 50. “Nhum không bán theo ký mà bán theo con với giá từ 20.000-30.000 đồng/con. Hôm nào có khách du lịch đặt hàng, ai giỏi, ráng sức lặn cả ngày có thể kiếm được trên dưới một triệu đồng, nhưng tối đến thì mình mẩy ê ẩm, phải gồng mình chịu đựng. Những lúc sơ ý, bị nhum bắn gai làm tê buốt cả cánh tay suốt ngày. Vì vậy, nhiều người chỉ lặn được vài ngày thì… bỏ nghề”, ông Bình thổ lộ.

Nhum sau khi được đưa lên bờ, phải làm cho chúng rụng hết gai. Việc này không đơn giản chút nào. Nhum được cho vào chiếc vợt, ông Bình dùng lực của đôi bàn tay khéo léo nhào xốc trong nước với cát, san hô vụn nhiều lần mới có những con nhum tròn như quả cầu, to như quả cam. Nhum sau khi làm sạch gai được bổ đôi và làm sạch ruột, chỉ giữ lại phần thịt vàng như gạch cua có hình dáng như con sao biển. Chỉ cần sơ sẩy để thịt nhum lẫn với ruột và gân máu thì khi chế biến món ăn sẽ rất tanh. Nhum được chế biến khá đơn giản và dân dã, chỉ cần nước cốt chanh vắt vào cho tái sơ kèm với rau thơm, húp ngay trong vỏ. Cầu kỳ hơn là cho mỡ hành cộng với gia vị và nướng nhum trên than hồng hoặc um chuối, nấu cháo… Dù chế biến kiểu gì thì nhum luôn là món cực kỳ bổ dưỡng và không phải lúc nào, mùa nào cũng có thể thưởng thức. Đặc biệt nhum ngâm rượu được cánh mày râu thường rỉ tai nhau là “ông uống bà khen”.

Quay lại lán trại ông Trần Đoạn khi trời đã đứng bóng. Bữa cơm trưa của gia đình gồm 3 người đã được bày ra. Ông bà mời tôi cùng dùng bữa và ở lại qua đêm để thức cùng Hòn Chùa nhưng tôi phải hẹn lần sau. Hỏi ông, bị thương tật và đã lớn tuổi sao còn chưa chịu nghỉ ngơi. Ông thổ lộ: “Chỉ còn một tay nhưng từ lâu nay tôi không được hưởng trợ cấp của người tàn tật. Vì vậy chỉ còn cách tiếp tục bám biển, bám Hòn Chùa để mưu sinh”.
Nguồn: báo Phú Yên

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.