Tháp Nhạn, tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và xây dựng

Tháp Nhạn - tiếng Ê Đê và Giarai gọi là tháp Kohmeng hay là tháp Chămpa, được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, nơi thờ phụng thần linh Chúa Thiên Yana, là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa. Tháp thể hiện nền văn minh phát triển rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á, sự giao thoa của hai nền văn hóa lớn Ấn Độ và Đại Việt vào văn hóa kiến trúc Chămpa.

Trải qua hơn 10 thế kỷ và chiến tranh tàn phá, Tháp Nhạn đã qua hai lần tu bổ vào các năm 1960, 1994. Nhìn chung hình khối, đường nét, màu sắc của tháp vẫn như xưa, chỉ khác về vật liệu tu bổ tháp.

“Mắt thần của vùng đất”

Tháp Nhạn cũng như tháp Ponaga ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được xây dựng trên núi, cạnh sông, có vị trí rất độc đáo, được xem như mắt thần của vùng đất. Về phong thủy vị trí tháp hội tụ các yếu tố: Biển trời thì bao la, sông núi thì hữu tình, ruộng đồng phì nhiêu, phố phường đông vui. Tháp Nhạn được xây dựng trên sườn phía đông của núi Nhạn ngay trung tâm TP Tuy Hòa. Núi Nhạn cao 64m so với mặt nước biển, là núi quý hiếm của các đô thị ven sông biển ở khu vực Nam Trung Bộ. Nền sân tháp ở độ cao khoảng 56m, mặt chính tháp quay về hướng đông, hướng sinh khí, còn lại hai mặt bên và sau xây kín, tháp tựa lưng vào sườn núi, có thế vững chãi.

Đứng ở sân Tháp Nhạn thả tầm mắt về hướng đông là cửa sông Đà Diễn, biển Đông như dát bạc, sóng và gió biển tràn về. Nhìn về phía nam, sông Chùa như suối tóc mơ, rặng tre xanh với những đàn cò trắng dập dờn trong lòng thành phố; làng hoa nổi tiếng Ngọc Lãng “ấm vào mùa đông, mát về mùa hè”. Xa hơn bên kia sông Đà Rằng là khu đô thị bờ nam, núi Đá Bia mờ xa. Nhìn về hướng bắc, TP Tuy Hòa như bức tranh đa sắc màu, ruộng đồng xanh bát ngát, núi Chóp Chài vững chãi như “cụ Rùa” khổng lồ đang bò về cửa sông Đà Diễn.

Khi đến hay đi qua TP Tuy Hòa bằng đường bộ hay đường sắt, cách khoảng 5-10 cây số, Tháp Nhạn đã hiện ra trước mắt bạn, càng tới gần, hình khối, đường nét của tháp thon thả rồi nhọn dần vút cao, tháp như bông hoa của núi đồi, như ngọn đuốc soi sáng hiên ngang sừng sững trên bầu trời trong xanh.


Kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc

Tháp Nhạn có 3 phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp giống như căn nhà Việt truyền thống. Mặt bằng đế và thân tháp hình vuông, biểu trưng cho đất, tổng chiều cao cả ba phần khoảng 24m. Đế tháp lớn hơn thân tháp, có chiều cao khoảng 3,3m. Các hàng gạch phía trên được xây dựng lùi vào so với hàng bên dưới đều đặn, cứ như thế thu nhỏ dần rồi bám vào thân tháp. Đế tháp là khối lớn vững chãi bám sâu vào lòng đất nâng đỡ thân và mái của tháp.

Thân tháp hình vuông, mỗi cạnh 10,5m, cao khoảng 9,3m, tường xây dày khoảng 3m. Tường xây thẳng đứng, bổ trụ ở 4 góc, tạo gờ lồi lõm ở hai mặt bên và mặt sau. Hình khối, đường nét, hoa văn trang trí bên ngoài có tỉ lệ vàng làm cho thân tháp càng vươn cao hơn. Thân tháp là sự gắn kết giữa phần đế và phần mái của tháp, thể hiện cho tư tưởng Thiên - Địa - Nhân là một thể thống nhất, trời che chở, đất nâng đỡ cho con người. Những chạm trổ, gờ chỉ trên thân tháp rất phong phú, không chỉ thể hiện ước vọng, hoài bão của con người mà còn phản ánh thế giới các vị thần linh.

Mái tháp có 4 lớp, hình khối đường nét rất lạ, chiều cao mái khoảng 8,5m. Lớp dưới cùng với 4 tai trụ lớn ở 4 góc trông xa như bốn búp sen và các gờ chỉ nhô ra khỏi thân tháp tựa như xê nô mái nhà. Lớp thứ hai và thứ ba mỗi lớp cũng có 4 búp sen, càng lên cao nhỏ lại và nhọn dần. Lớp trên cùng là hòn đá lớn nguyên khối đáy hình vuông, trên cong đều nhọn dần theo 4 phía, được gọt đẽo tinh xảo, đó là biểu tượng của linga. Linga là sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Nhìn xa phần mái có hình dáng giống đóa hoa rừng, như ngọn lửa đêm đông, biểu trưng cho thần thánh, sự giác ngộ, thức tỉnh của con người trong đời sống tâm linh. Mái có hình dáng rất lạ, lồi lõm.

Bên trong tháp là khoảng trống hình vuông mỗi cạnh 4,5m, cốt nền tháp cao 1,8m so với sân bên ngoài. Việc bài trí thờ cúng rất đơn giản, không xây bệ thờ, chỉ làm bàn thờ bà Chúa Thiên Yana nhìn ra cửa, cửa vòm cuốn rộng hơn 2m. 4 bức tường bên trong thẳng đứng cao khoảng 15m được xây dựng tinh xảo, lộ ra những hàng gạch đều đặn như là tường trang trí. Mái phía trên thu nhỏ dần giống như tháp Ai Cập, những hàng gạch phía trên xây nhô ra đều đặn so với hàng phía dưới, cứ thế thu nhỏ dần cho đến khi giao nhau rồi khép kín.

Toàn bộ tháp từ móng, đế, thân, mái đều xây bằng gạch đặc, chỉ có linga bằng đá mà tháp cao tới 24m, tương đương nhà 6 tầng. Các viên gạch to hơn gạch bây giờ, có kích thước rộng 10,5cm, dài 33cm, dày 8,1cm. Chiều dài viên gạch găm vào tường giống như nêm dăm cối xay đất thời xưa, với thế xây này, các viên gạch rất vững có thể chống chọi với thời gian và mưa gió. Các hàng gạch xây không bao giờ trùng mạch, các mạch khít nhau không nhìn thấy, nhìn thật kỹ các mạch có hình chữ công cài trên, cài dưới. Toàn bộ tường bên trong, bên ngoài, gờ chỉ, phù điêu để lộ ra viên gạch màu đỏ sẫm.


Thể hiện ước vọng

Ngoài chức năng thẩm mỹ, công trình còn thể hiện sinh động ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hướng thiện, vươn lên, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đặc sắc. Qua các lần khảo cổ và hội thảo khoa học, quá trình tạo dựng tháp dự đoán được thực hiện theo nhiều bước. Đầu tiên là chuẩn bị chất kết dính, là một loại keo được tinh chế từ một loài cây thực vật, có thể từ vỏ và lá cây dầu rái. Tiếp theo là đúc gạch theo khuôn định sẵn, nung lần 1. Đất sét được nhào trộn, ủ kỹ, có tỉ lệ cát theo quy định, được bảo dưỡng, đúc gạch và đem nung gạch vừa chín tới, còn độ xốp để dễ gia công và chạm trổ. Sau đó gia công tinh và xếp gạch theo mô hình tháp được liên kết bằng chất kết dính. Xếp tới đâu thì kết hợp chạm trổ, gọt giũa tới đó cho đến khi hoàn chỉnh toàn khối tháp. Bước tiếp theo là nung tháp lần hai. Nung bằng củi, rơm rạ, trấu từ trên xuống dưới, cả trong lẫn ngoài, thời gian nung khá lâu vì tường dày cho tới khi gạch chín có màu đỏ sẫm từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới rồi gọt giũa hoàn thiện khối tháp. Nhưng đó chỉ là suy đoán về khoa học, quá trình tạo dựng Tháp Nhạn vẫn chưa được giải đáp.

Từ ngày tái lập tỉnh năm 1989 đến nay, Phú Yên đã đầu tư khá lớn cho quần thể công viên Núi Nhạn, đó là: Tu bổ Tháp Nhạn; xây dựng Tượng đài liệt sĩ Núi Nhạn; trồng nhiều loài cây quý hiếm và đường lên xuống núi; xây dựng nhà văn hóa và mở rộng công viên Diên Hồng; xây dựng đường Bạch Đằng men theo bờ sông Chùa; giải tỏa nhiều nhà dân dưới chân núi Nhạn và xây dựng lại các chùa chiền, miếu cổ dưới chân núi…

Núi Nhạn và Tháp Nhạn là “hòn ngọc”, là tài sản vô giá không phải đô thị nào cũng có được, bản thân nó đã quá đẹp, cái đẹp cổ kính mới giá trị và quý hiếm, vì vậy tránh làm mất đi vẻ linh thiêng, huyền bí của Tháp Nhạn. Núi và Tháp Nhạn là niềm tự hào của người dân Tuy Hòa; là “núi thơ”, là nỗi nhớ mỗi khi cách núi, xa quê. Hàng năm, mỗi khi xuân đến, tại sân Tháp Nhạn lại rộn ràng với lễ hội Thơ Nguyên tiêu vào rằm tháng Giêng rồi lễ hội Vía Bà từ ngày 21-23/3 âm lịch.
Nguồn: BaoPhuYen

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.